Một KTS đã ví Hà Nội như cô bé Lọ Lem, tôi cho ý kiến này rất xác đáng, nhưng chỉ xác đáng với Hà Nội cách đây… 20 năm. Khi đó dân Hà Nội chỉ xấp xỉ 2 triệu, còn cái gọi là “khu đô thị mới” thì chưa xuất hiện. Hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen khắp nơi, ở trung tâm lác đác vài nhà cao tầng còn cấu trúc khu phố cổ, phố Pháp cũng chưa bị phá vỡ quá mức, dịch kiến trúc nhại cổ chỉ mới manh nha thời kỳ đầu.
Hà Nội "Lọ Lem" khi ấy chỉ cần có một hoàng tử tương đối khá thì đã có thể trở thành một nàng công chúa xinh đẹp, nhưng....
Năm 2008, Thăng Long sắp 1000 tuổi, dân số đã tăng gấp 3, ôtô xe máy ngập phố, hệ thống hạ tầng trở nên quá tải…Cơn lốc kinh tế thị trường, sự bùng nổ đô thị và dân số cùng những yếu kém trong quản lý đã biến những vết lọ lem xưa của Hà Nội thành những vệt sẹo hằn sâu khó tẩy.
Cấu trúc tổng thể đô thị đang rạn vỡ
Hàng trăm, hàng nghìn dự án từ vài nghìn m2 đến vài chục ha đã và đang xâu xé cơ thể đô thị theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi dự án đều nhất quán phương châm: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa tư lợi. Hệ quả là hệ thống hạ tầng chung của đô thị lãnh đủ, nhìn phố xá tắc nghẽn và ngập úng sau mỗi trận mưa cỡ trung bình tất rõ.
Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, quy hoạch xây dựng đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch giao thông thiếu nhịp nhàng, thường trật khớp. Nguyên nhân từ lối “tư duy nhiệm kỳ”, manh mún, “chỉ biết mình, được việc mình”, đồng hành với vấn nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bên cạnh đó, sự thiếu vắng lâu nay một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường đã khiến chúng ta không thể xây dựng được công nghệ quy hoạch đúng tầm. Hệ quả là người dân không những không được hưởng lợi từ cấu trúc đô thị mạch lạc, khoa học mà họ lại phải sống, tồn tại trong mạng cấu trúc đô thị lộn xộn, đứt gãy và ô nhiễm. Liên tiếp phát sinh những bực bội, stress, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế-văn hoá của thủ đô.
Các tuyến phố nhà ống tràn lan
Là hệ quả của quy hoạch chia lô thô thiển, những ngôi nhà bề ngang 3-4m, dài mươi mười lăm mét, cấu trúc bao diêm dựng đứng, với hình thức Pháp rởm, dễ dàng thấy ở mọi nơi, mọi lúc không riêng Hà Nội.
Cái gọi là “ khu đô thị mới” mọc như nấm
Với mục tiêu trên hết là làm sao mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất “càng nhiều càng ít”, giảm thiểu tối đa không gian công cộng, cây xanh, mặt nước và bê tông hoá mặt phố bằng chung cư cao tầng. Toàn bộ hình thức kiến trúc của khu vực này hoặc giả cổ (như Ciputra, The Manor…) hoặc nặng nề, đơn điệu theo kiểu Xô viết (như Trung Hoà Nhân Chính, Định Công, Đại Kim).
Hỗn dung phố Cổ, phố Pháp và Thành Hà Nội
Trong những khu vực này mọc lên nhan nhản những kiến trúc giả cổ. Tâm điểm bùng phát virus kiến trúc này là khu vực các cơ quan công quyền. Chưa có một kịch bản quy hoạch sáng sủa cho hệ thống các công trình cao tầng trong khu cổ. Chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc khu vực không rõ, thiếu kiên quyết và thiếu hiệu quả.
Hệ thống mặt nước bị thu hẹp
Hà Nội vốn tự hào bởi hệ thống hồ ao và sông ngòi độc nhất. Trái tim Thủ Đô là hồ Gươm, hồ Tây giữ vai trò lá phổi lớn, sông Hồng uốn khúc đầy tiềm năng.
Song thực tế vô số hồ ao đã bị các dự án vụ lợi tấn công, dân cư tha hồ “nhảy dù” ra mặt nước trước sự thoả hiệp, buông xuôi của các cấp quản lý. Cảnh quan xung quanh hồ hết sức lộn xộn, nhà cửa khập khiễng, vô lối. Hiệu quả thoát nước tự nhiên, điều hoà vi khí hậu của hệ thống hồ ao bị hạn chế đáng kể. Vai trò độc đáo của yếu tố mặt nước trong cảnh quan chung của đô thị không được phát huy.
Thiếu vắng không gian công cộng
Hầu hết quảng trường ở Hà Nội chỉ là nút giao thông, không có chỗ cho con người lưu lại vui đùa, đối thoại. Tuyệt nhiên không có tuyến phố đi bộ đúng nghĩa. Cuộc tranh cãi mấy chục năm về việc biến Tràng Tiền thành phố đi bộ mà đến nay vẫn chỉ là nói suông. Hệ thống công viên, cây xanh ngày càng thu hẹp, chưa kể nguy cơ bị các dự án đầu tư nuốt chửng. Ta tự hào Hà Nội là thành phố xanh, thử nhìn giữa Manhattan sừng sững một công viên trung tâm hay cánh rừng lớn trong lòng Moscow mới biết khoảng xanh của Hà Nội còn khiêm tốn lắm.
Sự biến mất của các làng trong đô thị
Những làng truyền thống như Ngọc Hà, Kim Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân… cũng không thoát khỏi sự tấn công của dịch chia lô, giả cổ. Cấu trúc và thế cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng. Còn đâu những ốc đảo xanh, những lễ hội nghề tưng bừng, những không gian của Alibaba… Tất cả đều bị sức ép kinh tế thị trường cuốn phăng.
Điểm qua bảy vệt sẹo lớn để thấy Thăng Long- Hà Nội còn rất nhiều bề bộn. Kỷ niệm 1000 năm tuổi không chỉ là những lễ hội, những cuộc mít tinh, những dự án vội vàng. Cái cần hơn, thiết thực hơn là từ nhận thức về thực trạng trầm kha của quy hoạch kiến trúc, chúng ta có thể hay không việc chủ động kiến tạo một lộ trình thoát ra khủng hoảng?
Ai sẽ là những hoàng tử đúng tầm và lúc nào mới xuất hiện?
KTS Hoàng Thúc Hào - (Theo VNN)