Toàn cầu hóa mang lại nhiều giá trị to lớn, song có nguy cơ xóa nhòa, thậm chí triệt tiêu bản sắc, nhất là ở những cộng đồng yếm thế - những cộng đồng không có điều kiện, nguồn lực bảo vệ tiếng nói riêng.

Thách thức thực sự với kiến trúc sư là bằng cách nào có thể tác động, dấn thân vào khu vực “không tồn tại kiến trúc” này?


Sau quá trình nghiên cứu, thí điểm, chúng tôi nhận thấy nếu chỉ hành nghề ở góc độ thuần túy kiến trúc, bài toán trên không có lời giải.


Với quan niệm kiến trúc là một nghệ thuật xã hội, là tổng hợp đa ngành, chúng tôi chủ trương tiếp cận và thao tác kiến trúc theo phương thức 1+1>2:


- Kiến trúc sư vừa thử nghiệm mô hình, vừa vận động, thuyết phục xã hội, kết nối các nguồn lực…, vừa đồng thời phát hiện, tiếp biến những giá trị bản địa cốt lõi vào trong một ngôn ngữ kiến trúc bền vững, hiện đại.


Những cộng đồng yếm thế, hầu như bị lãng quên lại nắm giữ kho báu văn hóa khổng lồ. Họ đương nhiên có quyền cất tiếng nói riêng, đóng góp vào sự giàu có và đa dạng của loài người. Điều đinh ninh chính đáng này là động lực hội tụ nguồn lực, động lực của kiến trúc hạnh phúc 1+1>2.