Hà Nội chỉ giống cô bé Lọ Lem cách đây hơn 20 năm. Khi đó dân số ít, các khu đô thị mới chưa xuất hiện, hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen khắp nơi, các khu cao tầng lác đác, cấu trúc khu phố cổ, phố Pháp cũng chưa bị phá vỡ quá mức, dịch kiến trúc nhại cổ mới manh nha thời kỳ đầu… Hà Nội – Lọ Lem lúc đó chỉ cần một “hoàng tử” tương đối đã có thể trở thành nàng công chúa xinh đẹp…
Còn bây giờ thì sao, thưa anh?
Giờ thì cơn lốc kinh tế thị trường, sự bùng nổ đô thị và những yếu kém trong quản lý đã biến những vết lọ lem xưa thành vô vàn những vết sẹo hằn sâu, khó tẩy.
Anh có thể nói rõ hơn về những “vết sẹo” ấy và những hệ lụy kèm theo?
Những bất cập của Hà Nội tồn tại dai dẳng, ai cũng thấy nhưng rất khó giải quyết vì không biết bắt đầu từ đâu – chúng đan xen với nhau, bắt rễ từ hạn chế về nhận thức của người dân, của các chủ đầu tư đến cả những cấp quản lý. Theo tôi, có thể khoanh vùng những vấn đề sau:
Cấu trúc tổng thể đô thị đang bị rạn vỡ bởi hàng loạt dự án chồng chéo, được tiến hành theo kiểu mạnh ai nấy làm nhưng phương thức thống nhất: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa lợi nhuận. Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, quy hoạch xây dựng đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch giao thông… thiếu đồng bộ, thường trật khớp. Nguyên nhân chính từ lối tư duy nhiệm kỳ, manh mún đồng hành với vấn nạn tham nhũng. Sự thiếu vắng một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường khiến chúng ta không thể xây dựng được công nghệ quy hoạch thích hợp. Hệ quả là người dân không những không được hưởng lợi từ một cấu trúc đô thị mạch lạc, khoa học mà họ lại phải sống, tồn tại trong mạng cấu trúc đô thị lộn xộn, đứt gãy và ô nhiễm. Liên tiếp phát sinh những bực bội, stress, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế - văn hóa của Thủ đô.
Bạt ngàn các tuyến phố nhà ống, hệ quả của quy hoạch chia lô thô thiển, xuất hiện khắp nơi, lan thành những dãy phố đơn điệu, tẻ nhạt, những cấu trúc bao diêm dựng đứng, “đóng hộp” đời sống tinh thần con người.
Những “khu đô thị mới” mọc lên như nấm, mục tiêu trên hết là lợi nhuận. Người ta giảm thiểu không gian công cộng, cây xanh, mặt nước, bê tông hóa mặt phố bằng chung cư cao tầng. Toàn bộ hình thức kiến trúc của khu vực này hoặc giả cổ (như Ciputra, The Manor..) hoặc nặng nề, đơn điệu (Trung Hòa Nhân Chính, Định Công, Đại Kim…)
Hỗn dung phố cổ, phố Pháp và thành Hà Nội - một cơn sốt những công trình kiến trúc giả cổ, đặc biệt là trụ sở các cơ quan công quyền. Chúng ta chưa có một kịch bản quy hoạch sáng sủa cho hệ thống các công trình cao tầng trong khu cổ. Chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc khu vực không rõ, thiếu kiên quyết, thiếu hiệu quả.
Bạt ngàn các tuyến phố nhà ống, hệ quả của quy hoạch chia lô thô thiển, xuất hiện khắp nơi, lan thành những dãy phố đơn điệu, tẻ nhạt, những cấu trúc bao diêm dựng đứng, “đóng hộp” đời sống tinh thần con người. Hệ thống mặt nước bị thu hẹp bởi sự “nhảy dù” của cư dân, của những dự án vụ lợi và sự buông xuôi, thỏa hiệp của các cấp quản lý. Cảnh quan xung quanh hồ lộn xộn, nhà cửa khập khiễng. Chức năng thoát nước tự nhiên, điều hòa vi khí hậu của hệ thống hồ ao bị hạn chế, vai trò độc đáo của yếu tố mặt nước trong cảnh quan chung của đô thị không được phát huy…
Thiếu vắng không gian công cộng. Hầu hết quảng trường ở Hà Nội chỉ là nút giao thông, không có không gian vui chơi, tuyệt nhiên không có tuyến phố đi bộ đúng nghĩa. Hệ thống công viên cây xanh ngày càng thu hẹp, chưa kể nguy cơ bị các dự án đầu tư nuốt chửng.
Sự biến mất của các làng trong đô thị. Những làng truyền thống như Ngọc Hà, Kim Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân… cũng không thoát khỏi sự tấn công của dịch chia lô, giả cổ. Cấu trúc và thế cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng, còn đâu những lễ hội nghề tưng bừng…
Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội không chỉ là những lễ hội, những cuộc mít tinh hay những dự án vội vàng. Điều cần hơn, thiết thực hơn chính là từ nhận thức về thực trạng kiến trúc, chúng ta có thể chủ động kiến tạo một lộ trình ra khỏi khủng hoảng?
Vậy theo anh, một lộ trình thoát khỏi khủng hoảng của kiến trúc HN có thể là gì?
Lịch sử kiến trúc đô thị thế giới ghi nhận truyền thống kiến trúc của Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, kiến trúc các thành phố thời Phục hưng: Florene, Pisa, Venice…; kiến trúc Paris cận hiện đại, các thành phố đương đại như New York, Chicago, Barcelona, Berlin... Ở châu Á, có Bắc Kinh, Tokyo, Thâm Quyến, Hồng Kong, Thượng Hải… Tất cả những thành phố có truyền thống kiến trúc nêu trên đều tồn tại một điểm chung, bất biến: đó là sự cộng sinh hoàn hảo giữa vai trò của KTS – Nhà quy hoạch đô thị với chủ đầu tư và vai trò quản lý Nhà nước. Biểu hiện cụ thể ở công thức hợp trội 1+1>2. Nhà quy hoạch – KTS tự do, thỏa chí sáng tạo. Chủ đầu tư văn hóa cao, tôn trọng nghệ sĩ và có khả năng cảm thụ cái đẹp. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, ban hành các luật lệ về đầu tư xây dựng, quản lý đô thị… miễn sao cuộc sống đô thị diễn ra khoa học, thuận tiện đồng thời lãng mạn nhất, miễn sao ý tưởng của chủ thể sáng tạo có thể bộc lộ rõ ràng, trung thực nhất… Với chúng ta, từ sự thức nhận các yếu tố hợp tác cộng sinh đến quá trình chuyên nghiệp hóa, cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững chung - là cả một chặng đường dài. Tôi tin vào sự thức nhận của các nhà quản lý trẻ, các KTS – nhà quy hoạch trẻ. Tin rằng “nhân loại chỉ đặt ra những vấn đề mà họ có khả năng giải quyết”. Song lưu ý, then chốt nằm chính ở tính trung thực của vấn đề được nêu.
Việc xây dựng thêm đền thờ Lý Công Uẩn là sự tốn phí không cần thiết và sẽ phá vỡ không gian kiến trúc ở khu vực này
Trong khi thực trạng kiến trúc Hà Nội còn quá nhiều bất cập thì dường như thành phố lại khá hờ hững với những ý tưởng làm đẹp Thủ đô. Anh và các đồng nghiệp có buồn về điều này?
Buồn và không. Người ta hờ hững chắc vì có nhiều thứ khác thú vị hơn, vậy thôi.
Theo Tia Sáng