Dễ nhận thấy kiến trúc đương đại Việt Nam chưa có sắc thái riêng, tất nhiên người ta có thể viện những lí do chủ quan, khách quan song hầu hết các công trình được làm ra như thể “cho xong”, ta khó đọc và nhận biết chủ ý của tác giả. Thực tế chúng ta hiếm khi có sự rung động trước những công trình này.
Bên cạnh đấy, 1 bộ phận không nhỏ lâm vào bệnh hình thức, rườm rà. Nhắm mắt lại khó lòng hình dung ra tác phẩm của KTS A, KTS B là như thế nào?
Ngược lại, khảo sát công trình của các KTS đương đại thế giới, nhất là có cơ hội “mục sở thị” chúng – không ai trong chúng ta không bị ấn tượng. Và 1 hiển nhiên là có nhiều tác phẩm hết sức dung dị, không to về khối tích, không quá phức tạp về kỹ thuật công nghệ. Song chỉ với những hình kỷ hà, vuông, tròn, những cặp phạm trù “đặc rỗng, sáng tối, đóng mở”, những cột, tường, trần đơn giản…, mà chúng vẫn có thể gây ra những xúc cảm nhân văn bất thường.
Chúng ta cùng xét các hình ảnh sau đây:
- Bức tường đặt nhô trên mặt nước, cột thép, tượng phụ nữ đổ bóng trong gian triển lãm Đức ở Bacxelona của Misvander Rohe … độ mở, đóng
- Những ô cửa lấy sáng ở Ronchamp của Lecooc Buydie, vuông, dẹt, vát… ánh sáng vào phòng đa hướng, đa hình. Chất liệu tường nhám, thô.
- Một không gian hình hộp chữ nhật bình thường của Tadao Ando, tường đầu hồi xẻ khe hình cây thánh giá hết sức giản dị. Nhưng khi ánh sáng lọt vào khiến ta choáng, nao người.
- Mario Botta: chỉ với tổ hợp vuông, tròn cổ lỗ nhưng vẫn mới, những chi tiết tường gạch thủ công tinh vi…
- Frank O. Ghery : tường bọc Titan, hình thái gần điêu khắc, ánh sáng đập vào lóng lánh đa sắc.
- Herzog : tường, không gian vuông vức, cột thép không có gì đặc biệt nhưng khi ánh sáng lọt qua kẽ đá của tường không gian trở nên lung linh, đặc biệt.
- Steven Holl : hệ trần, vòm dưới tác động của ánh sáng như tranh lập thể
- Đền Pantheon (Rome) : Mặt bằng hình tròn là không thích hợp với không gian thờ cúng…, song Adriano đã làm ra một không gian cho tất cả mọi người, không phân biệt thứ dân và hoàng đế, tất cả đều bình đẳng và có quyền thực hành như nhau việc thờ cúng của mình…, cái khoảng mở thông thiên chính giữa vòm trần
Chúng ta có thể thích hay không thích những hình ảnh vừa xem. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận ấn tượng mà chúng tác động.Chúng khiến ta bị kích thích…
Cảm giác này là ít gặp khi thưởng thức công trình ở ta.
Vậy tại sao cũng với cột, tường, trần, cửa, mảng đặc rỗng,…mà công trình của họ làm ta xúc cảm trong khi công trình của ta phần lớn vô hồn, trống rỗng cảm xúc?
Trước khi trả lời, chúng ta thử làm một so sánh giữa kiến trúc với những nghệ thuật khác.
Đầu tiên là âm nhạc. Âm nhạc không phải là “tiếng động”,một âm nhạc có thể liên hợp một cách nhất định các tiếng động song phải chèn chúng vào trong một cấu trúc hình thái và đưa ra một hiển nhiên đã được điều chỉnh-hiển nhiên này chuyển những tiếng động từ trạng thái tự nhiên và cơ học sang trạng thái một sự sắp xếp trật tự có nghĩa.
Một vũ điệu chứa trong nó không gian, nhưng chất liệu thiết yếu và cụ thể là cơ thể và âm nhạc.Tự thân nhữug động tác sẽ biểu lộ nội dung tư tưởng.
Những mảng màu nóng, lạnh, những điểm tuyến diện trong tranh trừu tượng của Kandinsky tự thân chúng gây ra ấn tượng, gây ra một kích thích cảm xúc. Ở đây Kevin Lynch đã kế thừa-xây dựng nên lý thuyết hình ảnh đô thị nổi tiếng…
Những khối đặc và những khoảng trống có nghĩa trong điêu khắc, cùng với cách kết nối của chúng mang tới sự cảm nhận và hưởng thụ cho con người.
Cũng vậy, câu thơ Trần Đăng Khoa:
“ Ngoài thềm rụng chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.
Chính ngữ nghĩa cùng sự va đập của động từ, tính từ, phụ từ đã làm câu thơ rung lên tinh tế.
Tương tự, các thành phần kiến trúc cũng có thể được liên hợp lại theo một ngữ pháp, một trật tự giải tỏa cảm xúc đồng bộ và rõ ràng .
Sở dĩ các công trình của Mies, Lecor, Gehry, Ando, Botta, Herzog …gây ra khoái cảm là chủ yếu bởi các thành phần kiến trúc của nó gắn bó hữu cơ, yếu tố nọ mời gọi yếu tố kia, tương hỗ, tôn nhau lên…Vấn đề với chúng ta, với những người làm công việc sư phạm là bằng giải pháp nào có thể gợi mở cho sinh viên chủ động từng bước xây dựng một nhận biết chân xác về kiến trúc, hướng chúng đến những hình thái kiến trúc trong sáng ,rõ ràng. Những hình thái tự thân có thể nói lên được. Chúng ta phải gieo vào sinh viên và trang bị cho chúng sự tự tin, hoài bão, và khát vọng sau này có thể kiến tạo những ngữ pháp riêng…Hiện đang thịnh hành mốt “giải tỏa kết cấu” hay “phi kiến tạo”, nhiều đồ án sinh viên không chỉ Việt Nam ảnh hưởng trào lưu này dẫu chúng không mấy hiểu bản chất của nó.Kiến trúc là nhằm xây dựng, một sự xây dựng có thể bị làm rời ra, không liền mạch, đầy những mâu thuẫn, tương phản song nó không thể thoát khỏi cái là sự xây dựng hài hòa,không thể rời bỏ sự sắp xếp trật hình thái không gian một cách sống động theo một logic thẩm mỹ không mâu thuẫn, mà đồng bộ và rõ ràng.
Tự nhiên, trong vũ trụ hay là một trật tự được thiết lập của tạo hoá, như một bông hoa, một tảng đá, một khuôn mặt, bầu trời xanh, đó thực sự là bậc thầy của hình thái trong sáng và trật tự, từ sự thống nhất tới những đặc tính về hình thể. Sự sáng tạo tự nhiên, nó khác với những gì ngày nay người ta gọi là lý thuyết hữu cơ, không phải xuất phát từ những cần thiết chức năng, ngay cả chúng thực hiện điều này một cách hoàn hảo, mà chủ yếu từ sự đầy đặn của sự vật, cái mà nó tự thể hiện.
Tôi chưa thể nói tôi đã tìm ra, tôi vẫn đang trên đường mò mẫm.song chắc chắn rằng đường làng, cổng làng, luỹ tre, bờ ao, gốc mít, đình làng, nhà ba gian hai chái…, đã từng dệt nên một ngữ pháp hoàn hảo cho quy hoạch và kiến trúc nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ xưa.
Đô thị và nông thôn Việt đương đại còn thiếu vắng những ngữ pháp kiến trúc quy hoạch mới, hiện đại.
Gánh nặng này lớp sinh viên và Kiến trúc sư trẻ phải đảm đương, ở đấy có trách nhiệm không nhỏ của những người thầy. Song chúng ta có quyền hi vọng.